Đại dịch Covid-19 với sự nguy hiểm không thể lường được cho tới nay đã làm thay đổi mọi hoạt động bình thường của xã hội. Và đây cũng chính là lúc các giải pháp công nghệ được phát huy để thay thế cho công việc của con người.

Quản lý cách ly bằng GPS

Bộ Y tế từ rất sớm đã lập trang web cập nhật liên tục và chính thức về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Sau đó, bộ này cũng đã phát triển một ứng dụng di động về dịch Covid-19 để giúp người dân luôn theo sát các thông tin và có thể nhận được những trợ giúp cần thiết.

Thạc sĩ Huỳnh Phúc Minh (bìa trái), người sáng chế ra robot Tâm An Ảnh: QUANG TÁM

Ngày 9-3, Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Y tế ra mắt ứng dụng di động NCOVI để phục vụ cho việc khai báo y tế tự nguyện và cung cấp thông tin chính thống về dịch Covid-19. UBND TP HCM gần đây cũng sử dụng tin nhắn của các nhà mạng di động để truyền tải các thông tin, thông báo cần thiết cho người dân trong cuộc chiến với dịch bệnh này.

Ngày 19-3, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội đã đưa vào sử dụng ứng dụng Hà Nội Smart City được tích hợp chức năng bản đồ định vị bằng GPS, cảnh báo khi người trong diện cách ly ra khỏi nhà 20-30 m. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết ứng dụng này được phát triển nhằm giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly vòng F2 tại nhà. Nếu những người trong diện cách ly rời khỏi nhà quá phạm vi quy định, hệ thống sẽ lập tức gửi cảnh báo đến cán bộ quản lý, cán bộ y tế xã – phường và tổ dân phố để kịp thời ngăn chặn. Một tính năng rất hữu ích của ứng dụng này là ở mục bản đồ dịch có thông tin về các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, lộ trình trước đó của những người này tại Hà Nội. Những người trong diện cách ly tại nhà sẽ được yêu cầu chia sẻ vị trí để liên tục cập nhật lên hệ thống điều hành, cập nhật sức khỏe hằng ngày cho cơ quan y tế theo dõi. Người cách ly tại nhà cũng có thể nhận trực tiếp kết quả xét nghiệm về Covid-19 từ các trung tâm xét nghiệm thông qua ứng dụng này.

Chủ tịch UBND Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan hướng dẫn cho những người cách ly tại nhà cài đặt Hà Nội Smart City để phục vụ việc quản lý. Ứng dụng này hiện đã có trên Google Play (cho thiết bị Android) và App Store (cho thiết bị iOS).

Robot thay con người

Ngày 23-3, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã chuyển giao robot BK-AntiCovid cho Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng vận hành, phục vụ bệnh nhân đang cách ly tại cơ sở.

Theo PGS-TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, robot BK-AntiCovid hỗ trợ nhân viên y tế vận chuyển thực phẩm, thuốc men… cho bệnh nhân tại khu cách ly; bác sĩ cũng có thể giao tiếp, thăm khám cho bệnh nhân qua robot mà không cần trực tiếp vào khu cách ly. Hệ thống truyền động của robot có thể chở đến 100 kg hàng. Nhân viên y tế điều khiển bằng bộ điều khiển tối giản, chỉ một phím điều hướng cho các tác vụ: trái, phải, tới, lùi. “Robot BK-AntiCovid chỉ mất 5 ngày để hoàn thiện, chi phí 50 triệu đồng/sản phẩm và sẽ rẻ hơn nếu sản xuất số nhiều. Thời gian tới, robot có thể được nâng cấp camera hồng ngoại để đo thân nhiệt, máy phun khử trùng tự động” – PGS-TS Đoàn Quang Vinh chia sẻ. Theo TS-BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, BK-AntiCovid dễ sử dụng, sửa chữa và có khả năng hoạt động trong không gian hẹp, dễ dàng xịt khử khuẩn robot sau mỗi lần ra vào khu cách ly.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Đà Nẵng do GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn cho biết đã sẵn sàng chuyển giao miễn phí công nghệ chế tạo máy đo thân nhiệt từ xa cho các đơn vị có nhu cầu. Sản phẩm gồm có nhiệt kế hồng ngoại thường dùng để đo thân nhiệt; máy quay; hệ thống nâng hạ chiều cao; đường truyền qua internet đến hệ thống máy tính, bảng điều khiển. So với giá thị trường (khoảng 300-400 triệu đồng/sản phẩm), máy do Đại học Đà Nẵng hoàn thiện chỉ hơn 10 triệu đồng nhưng vẫn cho kết quả chính xác, đầy đủ các chức năng cần thiết.

Bệnh viện (BV) Trung ương Huế cơ sở 2 trong những ngày giữa tháng 3 khá “nóng” khi cùng lúc điều trị cho 3 du khách người Anh mắc Covid-19 và nhiều người khác đang cách ly tại đây. BV vừa đưa robot Tâm An vào hoạt động để đưa thức ăn, vật dụng, thuốc men… đến bệnh nhân mắc, nghi mắc Covid-19 đang điều trị tại đây. “Người máy’’ này gồm chiếc xe trẻ em, bên trên chở tủ có 4 ngăn để đựng đồ, mỗi ngày vào khu cách ly từ 30-40 lần nên chi phí phục vụ bệnh nhân giảm đáng kể. Thạc sĩ Huỳnh Phúc Minh – Trưởng Đơn vị Quản lý dịch vụ buồng bệnh, Bệnh viện Trung ương Huế, “cha đẻ” robot Tâm An – cho biết đó là thành quả của quá trình mày mò tìm hiểu và sự giúp đỡ, góp ý của giám đốc bệnh viện, các “chuyên gia” công nghệ. “Tâm An được thiết kế bằng vỏ ngoài xe trẻ em, camera, loa, “mắt thần” tránh vật cản, động cơ chạy bằng mô-tơ với nguồn điện ắc-quy, bộ điều khiển qua máy tính bảng, màn hình quan sát. Sức chở 60 kg, tốc độ 20 km/giờ, điều khiển phủ sóng 50 m, có thể quay mọi hướng” – ThS Minh giới thiệu. Đặc biệt, qua Tâm An, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ, nhân viên y tế đứng ở ngoài khu vực cách ly qua hệ thống camera thông minh, giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho nhân viên y tế. 

Thêm 15 dịch vụ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Vào giữa tháng 3, trong thời điểm cả nước đang quyết liệt chống dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã đưa thêm 15 dịch vụ công tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), đặc biệt chú trọng đến thanh toán trực tuyến.

Sau 3 tháng vận hành, đến chiều 9-3, cổng đã có trên 77.200 tài khoản đăng nhập; hơn 20,9 triệu người truy cập; trên 2,6 triệu bộ hồ sơ đồng bộ trạng thái, trong đó có trên 13.100 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng. Ngày 24-3, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 411/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục dịch vụ công tích hợp cung cấp trên Cổng DVCQG năm 2020. Theo đó, có 65 dịch vụ công được ưu tiên tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG trong năm 2020. Cụ thể, có 57 dịch vụ công thuộc nhóm thiết yếu như: thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; kê khai và nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy; đăng ký khai sinh; cấp mới giấy phép lái xe…


Nhóm phóng viên