Nền tảng kết nối theo yêu cầu “Giúp tôi!” vừa được Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia chính thức ra mắt cách đây ít ngày, cung cấp một hệ sinh thái kết nối với các y – bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia tâm lý để hỗ trợ các đối tượng như thai phụ, trẻ em, người già, người có bệnh nền, khuyết tật…

Giảm tải cho hệ thống y tế

Theo TS Trần Việt Hùng, đồng sáng lập dự án “Giúp tôi!”, hệ thống bệnh viện tại vùng có dịch như TP HCM và các tỉnh lân cận gặp quá tải nặng nề khi số ca F0, đặc biệt là F0 nặng, tăng cao. Trong khi đó, rất nhiều F0 nhẹ, F0 không có triệu chứng và bệnh nhân mắc bệnh khác có nhu cầu khám chữa bệnh… không thể tiếp cận được dịch vụ y tế.

Ứng dụng “Giúp tôi!”, kết nối người dùng với y – bác sĩ, chuyên gia để tư vấn y tế. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

“Chúng tôi đặt ra câu hỏi liệu có thể dùng công nghệ để phần nào hỗ trợ được cộng đồng trong bối cảnh các cơ sở y tế đã quá tải? Làm sao để kết nối được với lực lượng y – bác sĩ, nhân viên y tế từ xa khi người dân đã rất quen với những nền tảng dịch vụ theo yêu cầu như Grab, ShopeeFood… Từ đó, ý tưởng về một nền tảng tương tự để người dân kết nối với đội ngũ y – bác sĩ ra đời” – ông Hùng cho hay.

Với đội ngũ 200 tình nguyện viên thuộc mọi lĩnh vực cùng sự chung tay của 10 công ty công nghệ, trong đó có Google, Amazon, FPT…, nền tảng được xây dựng, hoàn thiện và chính thức vận hành trơn tru chỉ sau 1 tháng triển khai. Tính riêng giải pháp kỹ thuật, đội ngũ tình nguyện viên chỉ mất 2 tuần để xây dựng. 

Với “Giúp tôi!”, người dùng cần tư vấn y tế gửi yêu cầu trên nền tảng, chờ kết nối đến y – bác sĩ hoặc chuyên gia y tế phù hợp và nhận tư vấn thông qua tin nhắn, cuộc gọi video với thao tác đơn giản, nhanh chóng. Lực lượng y tế, chuyên gia tâm lý chỉ cần mở app và tham gia tư vấn, hỗ trợ cộng đồng vào thời gian rảnh, tắt app khi bận. Đồng thời, việc bảo mật thông tin để tránh việc y – bác sĩ phải nhận những cuộc gọi không cần thiết sau khi tham gia tư vấn cũng được nhóm sáng lập lưu tâm.

“Sản phẩm dịch vụ đầu tiên trên nền tảng này là tư vấn y tế. Nhưng trong đại dịch Covid-19, không chỉ người bệnh mà hầu như cộng đồng đều ít nhiều chịu ảnh hưởng. Do đó, chúng tôi đã sớm tính tới việc mở rộng dịch vụ cho nhiều đối tượng khác trong giai đoạn sau như kết nối giao nhận các mặt hàng thiết yếu, giáo dục với hệ thống gia sư cả nước, việc làm…” – ông Hùng thông tin thêm.

Hỗ trợ người khó khăn

Được cho biết tính năng Zalo Connect có thể kết nối người bán với người có nhu cầu mua thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, chị Hải Anh (ngụ quận 4, TP HCM) truy cập và rất bất ngờ khi không chỉ mua được thực phẩm mà còn kết nối với những người cần hỗ trợ. 

“Những chấm màu cam hiện trên bản đồ là trường hợp cần giúp lương thực, nhu yếu phẩm, y tế. Người đã được nhận hàng sẽ chuyển sang chấm xanh trên bản đồ. Một số trường hợp chấm xanh hiển thị kèm con số là biểu hiện số lượt được trợ giúp. Chỉ cần lựa chọn những trường hợp miêu tả rõ ràng nhu cầu, nhắn tin trực tiếp với họ để xác minh và giúp đỡ họ theo khả năng của mình” – chị Hải Anh nói.

Zalo Connect đã được nhà phát triển ứng dụng triển khai tại 21 tỉnh, thành phố đang giãn cách theo Chỉ thị 16. Theo ghi nhận từ đơn vị sở hữu ứng dụng,

TP HCM là địa phương có lượt yêu cầu và tham gia trợ giúp cộng đồng nhiều nhất cả nước. Không chỉ cá nhân, nhiều tổ chức thiện nguyện cũng tìm đến Zalo Connect để có thể tiếp cận với những hoàn cảnh khó khăn thực sự, từ đó lên kế hoạch hỗ trợ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm hoặc kết nối nhanh với các bác sĩ, chuyên gia y khoa một cách chuyên nghiệp. 

Ngoài ra, có nhiều ứng dụng phi lợi nhuận của các nhà phát triển cá nhân hoặc cơ quan quản lý nhà nước xây dựng nhằm hỗ trợ cho cộng đồng trong giai đoạn đại dịch làm đảo lộn cuộc sống. Chẳng hạn, bản đồ cứu trợ SOSmap chia sẻ thông tin người khó khăn, cần thực phẩm, nhu yếu phẩm… kết nối với người có khả năng hỗ trợ, Oxy 247 là ứng dụng cung cấp dữ liệu để người dân lẫn cơ quan y tế tìm nhanh các bệnh viện còn giường ôxy…

Tuy nhiên, không tránh khỏi tình trạng các trường hợp không gặp khó khăn hoặc chưa thực sự khó khăn lợi dụng các app để trục lợi cá nhân. “Vào Zalo Connect, có chi chít những chấm màu cam thể hiện người cần giúp đỡ nhưng khi vào các trang cá nhân, có nhiều trường hợp không thật sự khó khăn. Trong khi có nhiều người cần trợ giúp thật sự thì hạn chế về mặt công nghệ, không thể kết nối với các nhà hảo tâm” – chị N.H.Y (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) phản ánh.

Các chuyên gia công nghệ cho rằng hầu hết các nền tảng hiện nay đều rất trực quan, hiển thị rõ lượt giúp đỡ nên phần nào tránh được tình trạng lợi dụng lòng tốt. Tuy nhiên, cần bổ sung, hoàn thiện tính năng để hạn chế những yêu cầu hỗ trợ nhiều lần, sai sự thật, cố tình trêu đùa… Zalo Connect mới đây bổ sung thêm tính năng giúp nhà hảo tâm đánh dấu các trường hợp đã giúp đỡ, báo cáo nhanh những yêu cầu hỗ trợ không đúng sự thật, có lời lẽ thiếu nghiêm túc… để đơn vị phát triển ứng dụng kịp thời xử lý, ngăn chặn.

Giám sát vi phạm bằng công nghệ

Tại TP Hà Nội, 2 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn (0889.556.655 và 0889.557.755) cùng với hòm thư phản ánh nguy cơ Covid-19 tại địa chỉ https://antoancovid.vn/phananhHN và tài khoản Zalo “Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội” chuyên mục “Phản ánh Covid” đã được vận hành. Trong hơn 1 tháng, có gần 20.000 cuộc gọi, tin nhắn tiếp nhận từ phía người dân, trong đó giải đáp được 14.730 phản ánh, chuyển các cơ quan của thành phố xử lý 3.696 phản ánh. Thông qua các kênh này, nhiều vi phạm trong việc thực hiện giãn cách xã hội tại các địa phương đã được kịp thời phát hiện, xử lý.


Thùy Dương

Chia sẻ