Trong xu hướng tất cả các lĩnh vực công nghệ trở thành dịch vụ, dịch vụ cung cấp internet trở thành một nguồn lợi to lớn trong nền kinh tế số. Một nước dù không phải là một trung tâm công nghệ nhưng vẫn có thể trở thành một trung tâm kết nối số. Việt Nam có tiềm lực để phát triển dịch vụ này.

Vị trí đắc địa là lợi thế

Trên thế giới hiện nay có khá nhiều thành phố là những trung tâm internet (internet hub-IH) quốc tế. Theo trang Capacitymedia.com, hiện một số nước đã phát triển những IH hàng đầu thế giới như Frankfurt (Đức), London (Anh), Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp), Stockholm (Thụy Điển), Marseille (Pháp), Hồng Kông (Trung Quốc), New York (Mỹ)…

Chuyên viên kỹ thuật kiểm tra hệ thống máy chủ tại một trung tâm dữ liệu của VNPT .Ảnh: MINH TRÍ

Vị trí đắc địa rất quan trọng để phát triển IH. Thành phố Marseille chỉ trong vòng 5 năm đã trở thành một IH hàng đầu thế giới cũng có phần ở lợi thế vị trí địa lý độc đáo. Nằm ở ngã tư giữa châu Âu, châu Phi và Trung Đông và có cảng hàng hải lịch sử, Marseille có một di sản đáng kinh ngạc: tập hợp 14 cáp viễn thông quốc tế ngầm, bao gồm cả các tuyến cáp mới như AAE-1 và SEA-ME-WE 5, kết nối châu Âu, châu Phi, Trung Đông và châu Á. Đến năm 2025, số lượng tuyến cáp internet quốc tế dự kiến sẽ tăng lên hơn 20 và dung lượng tối đa trên các cáp này dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần từ 160Tbps vào năm 2019 lên 640Tbps. Theo Capacitymedia.com, trong thế giới mạng, vị trí tốt có nghĩa là độ trễ tốt. Với lợi thế về địa lý, Marseille cung cấp các kết nối có độ trễ thấp với các mạng ở Trung Đông, Bắc Phi hoặc Trung Phi. Sự gần gũi của Marseille với các khu vực này có thể tiết kiệm chi phí băng thông lên đến 75%.

Tương tự Marseille, Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt nằm trên bờ Thái Bình Dương, gần trung tâm khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC); trên ngã tư đường hàng hải, hàng không quốc tế với các tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Á tạo điều kiện giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới. Với lợi thế “mặt tiền” trông ra Thái Bình Dương, Việt Nam đóng vai trò then chốt về kinh tế và cung ứng dịch vụ logistics cho các quốc gia trong và ngoài khu vực. Vì vậy, mục tiêu của Việt Nam không chỉ xây dựng một IH mà còn là trung tâm số (digital hub-DH), làm dịch vụ số trên nền internet.

Ngay trong dự thảo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã đặt ra các yêu cầu phát triển internet Việt Nam trong giai đoạn tới, trong đó Việt Nam sẽ trở thành một DH – trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới.

Doanh nghiệp chung tay

Cơ sở hạ tầng internet – viễn thông chính là nền tảng cho chuyển đổi số toàn diện quốc gia, cho chính phủ số và kinh tế số.

Ngay sau lễ khai trương mạng internet ở Việt Nam ngày 19-11-1997, Việt Nam đã kết nối với xa lộ thông tin của thế giới và hiện cơ sở hạ tầng internet đã có bước phát triển đột phá. Năm 2021, Việt Nam đạt con số 71 triệu người sử dụng internet (chiếm 2/3 dân số cả nước) và có tốc độ tăng trưởng lưu lượng internet hơn 40%. Hạ tầng internet Việt Nam trong năm 2022 sẽ được đầu tư lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng.

Về trung tâm dữ liệu (DC), trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư mạnh vào DC để sẵn sàng vươn ra khu vực và thế giới. Nhiều hệ thống DC hiện đại đã được xây dựng để góp phần đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng số quốc gia. Đơn cử, tháng 5-2022, Tập đoàn Công nghệ CMC đưa vào vận hành DC Tân Thuận (TP HCM) hiện đại, an toàn hàng đầu Việt Nam và khu vực APAC. DC Tân Thuận có khả năng kết nối và cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp với hệ thống 1.200 tủ mạng (rack) công suất cao lên tới 20 KW/rack trong khu vực rộng 10.000 m². Đặc biệt, DC Tân Thuận là DC đầu tiên và duy nhất hiện nay của Việt Nam được cấp chứng chỉ Uptime Tier III cho cả thiết kế và xây dựng. Hiện CMC sở hữu 3 DC trung lập.

Tập đoàn Viettel có 4 DC tại Hà Nội, TP HCM và Bình Dương với 3.000 rack tiêu chuẩn 42U, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế Tier III. Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đầu tư cho hệ thống hạ tầng cơ sở internet và DC đủ tiềm lực để phục vụ công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia, lưu trữ các cơ sở dữ liệu quốc gia, trục liên thông văn bản quốc gia, trục truyền dẫn quốc gia… VNPT đang vận hành và khai thác hệ thống IDC quy mô lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. VNPT cũng hợp tác với Amazon Web Service và các doanh nghiệp lớn nước ngoài nhằm bổ trợ cho hạ tầng hiện có của mình.

Công ty FPT hiện sở hữu 2 DC tại Hà Nội và TP HCM để phục vụ khách hàng cùng với băng thông kết nối trong nước với các ISP khác lớn hơn 500Gbps, tổng băng thông kết nối đi quốc tế lên đến 380 Gbps qua các hướng Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore. Công ty VNG là nhà cung cấp điện toán đám mây với 2 DC chuẩn quốc tế đặt tại Việt Nam.

Để thực hiện được chiến lược trên, các chuyên gia đều thống nhất rằng cộng đồng internet Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp cần chung tay, hợp tác phát triển đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối số. 

Hạ tầng số là điều kiện tiên quyết

Tại Hội nghị Internet Việt Nam 2022 với chủ đề “Tương lai của internet” do Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC (Bộ TT-TT) tổ chức cuối tháng 6-2022, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế nhận định Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành điểm kết nối và lưu trữ dữ liệu của khu vực ASEAN và APAC. Tại hội nghị, ông Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom (CMC), nhấn mạnh: “Để bắt kịp con tàu 4.0 và trở thành trung tâm thì điều kiện tiên quyết chính là hạ tầng số”. Chiến lược của CMC trong lĩnh vực viễn thông là hợp tác với những hãng công nghệ hàng đầu thế giới nhằm đưa Việt Nam thành một trung tâm số trung chuyển trong khu vực, bên cạnh Hồng Kông hay Singapore”.


Phạm Hồng Phước