Việc triển khai WFH quan trọng vẫn là ở nền tảng phần mềm vì cơ sở hạ tầng, thiết bị giờ đây không còn là vấn đề nữa. Bên cạnh những nền tảng, ứng dụng của các ông lớn công nghệ như Microsoft Teams, Google Hangouts hay Zoom, trên thị trường hiện có vô số ứng dụng WFH cho người dùng chọn. Tuy nhiên, tốt nhất là mỗi cơ quan, doanh nghiệp sử dụng chung một nền tảng để bảo đảm sự tương thích, ổn định và an toàn. Tất nhiên, làm việc online, nhất là trong quy mô và cấp độ như hiện nay, vấn đề an toàn thông tin, bảo mật phải đặt lên hàng đầu. Nguyên tắc chung là càng nhiều người kết nối thì mạng càng bị đe dọa nhiều hơn, nguy cơ mất an toàn càng cao hơn. Việc bảo đảm an toàn thông tin này không chỉ cần nâng cấp về hệ thống mà còn phải nâng cao ý thức và cẩn trọng ngay từ người làm việc đầu cuối.

Có lẽ nhiều chủ doanh nghiệp, nhà quản lý e ngại năng suất lao động của người lao động khi WFH sẽ giảm sút. Tất nhiên, cách làm việc mới đòi hỏi phải có chính sách, cách quản lý cho phù hợp. Trong một cuộc khảo sát do FlexJobs thực hiện hồi năm ngoái với 7.000 người lao động, có tới 65% cho biết họ làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn khi WFH. Có những cái lợi như không bị đồng nghiệp quấy rầy, lôi kéo ra khỏi công việc, giảm được căng thẳng khi phải đi lại giữa nhà và cơ quan trong giờ cao điểm… Tất nhiên, WFH thích hợp nhất cho những công việc mà cơ quan chỉ cần quản lý sản phẩm cuối cùng, nghĩa là thành phẩm chứ không phải cách làm việc.

Các công ty có quy mô hoạt động toàn cầu như Google, Microsoft, Twitter, Hitachi, Apple, Amazon, Chevron, Salesforce, Spotify… trong những ngày qua đã thay đổi chính sách lao động để thích ứng với việc người lao động được WFH.

Hy vọng rằng đây cũng là một cơ hội hiếm hoi – dù chẳng ai muốn – để các cơ quan, tổ chức cơ cấu lại hoạt động của mình, vận hành dựa trên online để tiếp tục phát huy cách làm việc mới.


Phạm Hồng Phước