Du lịch số đã xuất hiện từ vài năm trước nhưng chỉ thật sự được quan tâm gần đây khi du lịch truyền thống bị đóng băng do tác động nặng nề của dịch Covid-19. Xu hướng du lịch trên nền tảng số được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch trong giai đoạn nỗ lực hồi phục rất khó khăn hiện nay.

Ngồi nhà khám phá thế giới

Thông qua sự trợ giúp của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality – VR), với sự hỗ trợ của điện thoại thông minh, máy tính, kính thực tế ảo, tai nghe, ghế tạo hiệu ứng…, người dùng có thể trải nghiệm cảm giác sống động y như thật của điểm đến đã được số hóa trên môi trường 3D. “Thật tuyệt vời khi vẫn ở nhà mình mà có thể hòa mình vào biển xanh, cát trắng Đà Nẵng hay đắm mình trong màu xanh ngút ngàn của những đồi chè Mộc Châu… 

Du lịch ảo không chỉ giúp thỏa mãn “cơn khát” của những tín đồ ưa xê dịch mà còn giúp du khách tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế những rủi ro không thể lường trước trong tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp” – ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Golden T Travel, nói.

Cuộc đua phát triển du lịch ảo tại Việt Nam đã ghi nhận sự có mặt của nhiều điểm đến hấp dẫn trên cả nước. Năm 2020, dự án đưa hình ảnh Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình) dưới dạng 360 độ ra toàn thế giới của Tạp chí National Geographic đã giúp Sơn Đoòng 360 độ trở thành tour du lịch VR hấp dẫn và đáng trải nghiệm nhất thế giới trong năm này.

Là một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển du lịch theo hướng thông minh, TP Đà Nẵng đang triển khai hệ thống du lịch ảo cho các điểm đến trên công nghệ thực tế ảo VR360 mang tên “Một chạm đến Đà Nẵng”. 

Với mỗi cú click chuột, công nghệ dẫn đường sẽ đưa người dùng di chuyển dễ dàng theo từng vị trí tại từng điểm du lịch. Đồng thời, hệ thống sẽ thuyết minh tự động bằng 2 ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt. Đặc biệt, du khách tham gia tour ảo còn có thể lưu giữ những khoảnh khắc đẹp thông qua tính năng chụp ảnh. 

Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, khẳng định việc đa dạng các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 để bắt kịp xu hướng mới của thế giới luôn là hướng đi mà ngành du lịch thành phố nỗ lực hướng tới.

Du lịch ảo có thể trở thành công cụ để kích thích, lôi kéo khách mua tour du lịch thực tế. Trong ảnh: Khách trải nghiệm du lịch ảo Mộc Châu (tỉnh Sơn La)

Tour du lịch ảo khám phá Mộc Châu (tỉnh Sơn La) cũng đã được thực hiện với sự trợ giúp của kính VR, tai nghe… Chỉ bằng thao tác chuyển cảnh đơn giản, người xem sẽ được ngắm quang cảnh hùng vĩ của thác Dải Yếm, nghe tiếng thác chảy, ngắm rừng thông bản Áng thơ mộng và trải nghiệm đi dạo vòng quanh các vườn hoa như ở ngoài đời thực.

Theo Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia Mộc Châu, số hóa là bước đầu tiên để đơn vị này xây dựng du lịch ảo. Theo đó, toàn bộ không gian sẽ được quét bằng các thiết bị hiện đại nhất như flycam (máy bay quay phim không người lái), thiết bị chụp ảnh 360. 

Đến khâu xử lý dữ liệu, tất cả hình ảnh, video 360 độ được ghép và liên kết với nhau bằng phần mềm chuyên dụng, từ đó cho ra sản phẩm chuyến du lịch 360 độ. Hiện, ban quản lý đã xây dựng được hơn 10 chương trình du lịch ảo và thử nghiệm quảng bá trên trang web của đơn vị này.

Kích thích du lịch truyền thống

Giám đốc Công ty Du lịch Golden T Travel Nguyễn Trung Thành đánh giá cao nhiều địa phương đã nhanh nhạy phát triển các tour du lịch trực tuyến với nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, bên cạnh công nghệ VR, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai bản đồ số và tour du lịch thực tế ảo tại Khu Di tích lịch sử ATK Định Hóa. Cùng với đó, đẩy mạnh quảng bá các tour du lịch trực tuyến qua website thainguyentourism.vn, cổng du lịch thông minh mythainguyen.vn hay trên mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube…

Ông Phạm Minh Quang, Tổng Giám đốc Dolphin Tour, khẳng định trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, du lịch ảo là kênh quảng bá hữu hiệu cho các điểm đến. Mặt khác, chính nhờ việc kích thích nhu cầu được đến và trải nghiệm thực tế của du khách từ công nghệ này, doanh nghiệp sẽ gia tăng khả năng bán tour du lịch truyền thống. “Đây có thể coi là lối ra để du lịch truyền thống nhanh chóng bùng nổ trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế” – ông Quang kỳ vọng.

Bà Nguyễn Thị Hoài An cũng thừa nhận tour du lịch thực tế ảo VR360 thông qua công nghệ để tiếp cận điểm đến, tạo thêm trải nghiệm chân thực, chạm được từng góc nhìn… là giải pháp cấp bách và cần thiết để nâng tầm giá trị cho du lịch Đà Nẵng. 

Marketing điện tử mang lại giá trị cao

Cổng thông tin tiếp thị du lịch Việt Nam trên toàn cầu www.vietnam.travel và các tài khoản chính thức của du lịch Việt Nam @vietnamtourismboard trên các mạng xã hội Facebook, Instagram, YouTube, Pinterest và TikTok vừa được Hội đồng Tư vấn du lịch bàn giao cho Tổng cục Du lịch.

Phát biểu tại buổi lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định marketing điện tử là một trong những hoạt động quan trọng, được triển khai liên tục và đã mang lại hiệu quả cao cho ngành du lịch.

Việc tiếp nhận bàn giao các kênh nói trên có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành Hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP trong hoạt động văn hóa – thể thao và du lịch.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH



Bài và ảnh: YẾN ANH

Chia sẻ