Từ nền tảng của văn phòng điện tử 20 năm trước rồi số hóa, ứng dụng các phần mềm vào những lĩnh vực cốt lõi, Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) hiện bước sang giai đoạn chuyển đổi số để tăng hiệu quả công tác quản trị nội bộ, kinh doanh và dịch vụ khách hàng lẫn quản lý kỹ thuật lưới điện.

Xử lý sự cố điện từ xa

Dẫn chúng tôi vào tham quan Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP HCM, ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, chỉ vào hệ thống thông tin điều hành hiện đại trên màn hình lớn áp tường, cho biết: “Trung tâm đang kiểm soát toàn bộ hệ thống điện của TP HCM. Đây là một phần của đề án lưới điện thông minh EVNHCMC triển khai từ năm 2016”.

Trung tâm điều khiển được trang bị hệ thống SCADA/DMS (hệ thống thu thập, giám sát và điều khiển lưới điện phân phối, hệ thống quản lý lưới điện phân phối) để theo dõi sự cố mất điện, cảnh báo tình trạng đầy tải, quá tải, lệch điện áp, đưa ra giải pháp xử lý như: tự động điều khiển từ xa các thiết bị đóng cắt để nhanh chóng tái lập hay cách ly thiết bị khỏi hệ thống. Nhờ hệ thống này, EVNHCMC rút ngắn tối đa thời gian cắt điện, xử lý sự cố. Tháng 3-2019, khi sự cố chập điện khiến khu vực rộng trên đường Cây Trâm (tên mới là Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp) bị mất điện, tổng công ty chỉ mất 4 phút tái lập hệ thống và sau 22 phút, toàn bộ hộ dân bị ảnh hưởng đã có điện trở lại. Trong khi trước đây, phải mất 2 giờ để công nhân đến hiện trường, tìm nguyên nhân, khắc phục sự cố thủ công.

Cũng nằm trong đề án lưới điện thông minh, EVNHCMC đã hoàn tất việc chuyển sang điều hành từ xa cho 100% trạm biến áp 110 KV, chuyển đổi 54/54 trạm thành trạm không người trực. Ngoài ra, có hơn 80% lưới điện trung thế 22 KV được giám sát, điều khiển từ xa và hơn 20% lưới điện trung thế 22 KV (tuyến dây công cộng) được trang bị chức năng tự động hóa.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP HCM kiểm soát toàn bộ lưới điện trên địa bàn thành phố

Trong mùa nắng nóng vừa qua, Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVNHCMC giải đáp không ít thắc mắc của khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tháng tăng cao. Nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu được cập nhật liên tục, mọi thắc mắc đều được nhân viên giải đáp cặn kẽ, nhanh chóng. Một số trường hợp sau khi giải đáp cho khách, nhân viên trực tổng đài của EVNHCMC còn hướng dẫn cách tải ứng dụng để khách hàng thực hiện các giao dịch với ngành điện lẫn theo dõi, kiểm tra chỉ số điện của gia đình và cách sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Từ năm 2010, tổng công ty đã áp dụng 100% hóa đơn điện tử trên toàn TP. Hiện có tổng cộng 19 loại dịch vụ khách hàng được cung cấp trực tuyến cấp độ 4, tỉ lệ giao dịch trực tuyến đạt 99,94%. Tổng công ty cũng vừa triển khai hệ thống công-tơ đo xa, hướng tới tự động hóa việc đo đếm, vận hành hệ thống phân phối, tính tiền điện mà không cần đến nhân viên ghi chỉ số điện. Phần mềm Quản lý mất điện do đội ngũ của EVNHCMC xây dựng đã được ứng dụng vận hành hiệu quả, chuyển giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để triển khai đại trà tại các tổng công ty điện lực khác.

Tăng năng suất, giảm nhân sự

Theo ông Nguyễn Duy Quốc Việt, để công khai, minh bạch, tiện lợi cho người dân kiểm tra điện năng tiêu thụ; nâng cao năng suất sản xuất – kinh doanh, tổng công ty đã đẩy mạnh đầu tư cho chuyển đổi số, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu.

Từ tháng 3-2020, Điện lực An Phú Trung thí điểm ứng dụng bản đồ GIS (hệ thống thông tin địa lý) vào khảo sát trực tuyến điểm đấu nối trên cơ sở dữ liệu lưới điện trung thế thay cho khảo sát hiện trường. Ứng dụng này phát triển đại trà sẽ góp phần giảm thủ tục trong tiếp cận điện năng, tiến tới cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam để Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 4 quốc gia ASEAN về chỉ số tiếp cận điện năng. Tổng công ty xây dựng đội ngũ kỹ sư để viết một số phần mềm chuyên ngành. Điển hình là phần mềm chatbot giải đáp thông tin tự động cho khách hàng, giúp giảm tải áp lực cho nhân viên tư vấn tại trung tâm. Trong công tác quản lý hơn 2,5 triệu khách hàng dùng điện, tổng công ty không phải tuyển thêm lực lượng ghi điện mà còn giảm 10%; giảm đáng kể chi phí in ấn và quản lý hóa đơn tiền điện và 50 lao động trong khâu này, việc quản lý hóa đơn và báo cáo thuế đơn giản hơn rất nhiều; bố trí công tác khác cho 200 nhân viên thu ngân. Hay với 54 trạm biến áp 110 KV không người trực cũng đã tiết giảm 432 công nhân trực vận hành trạm. “Chuyển đổi số với nền tảng dữ liệu lớn (AI Cloud) đã tự động hóa các nghiệp vụ, làm tăng năng suất lao động; đồng thời tiết kiệm chi phí tiền lương, phương tiện làm việc, mặt bằng, giấy tờ… Ước tính có thể tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm” – đại diện EVNHCMC cho biết. 

Hoàn thiện ứng dụng “Grab điện”

Phần mềm “Giám sát nhân viên xử lý, sửa chữa điện” hay còn gọi là “Grab điện” do Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNHCMC xây dựng, triển khai từ năm 2018, đã hoàn thành hạ tầng công nghệ. Trong năm nay sẽ bổ sung các tính năng mới như: công bố hình ảnh, quãng đường di chuyển… Khi gửi yêu cầu xử lý điện đến trung tâm, khách hàng cũng sẽ biết người được phân công, lộ trình di chuyển đến nơi xử lý; được cung cấp thông tin, đẩy nhanh thời gian xử lý, khắc phục sự cố điện. Ngoài ra, mọi hoạt động, thao tác của công nhân tại hiện trường đều được truyền về cho bộ phận trực ở đơn vị, có thể giám sát quy trình xử lý sự cố điện.


Bài và ảnh: Thanh Nhân

Chia sẻ