Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Thanh Lâm chủ trì, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên trách về quản lý thông tin trên mạng của Bộ TT-TT, đại diện Sở TT-TT của một số tỉnh, thành phố; một số nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các chuyên gia, đại diện các cơ quan báo chí lớn ở trung ương và địa phương cùng đại diện một số trang tin điện tử tổng hợp mạng xã hội trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT, phát biểu khai mạc hội thảo

Bộ TT-TT mong muốn thông qua hội thảo nhận được các ý kiến đóng góp xây dựng và hoàn thiện để “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” có tính ứng dụng cao, dễ dàng tiếp cận với người sử dụng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã bàn bạc, thảo luận xoay quanh các nội dung: Nhận diện, đánh giá tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng và công tác rà quét, phát hiện, xử lý tin giả; trao đổi về công tác đấu tranh, phản bác tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; trao đổi, đóng góp ý kiến xây dựng Cẩm nang nhận diện và phòng chống tin giả.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh tin giả nhưng hậu quả là thật với mọi mặt kinh tế – xã hội, đặc biệt trải qua 2 năm dịch chúng ta càng thấy rõ tác động của tin giả ảnh hưởng như thế nào đến đời sống.

Thực tế thời gian qua cho thấy Bộ TT-TT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn xử lý tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, tin giả trên không gian mạng vẫn liên tục được sản sinh, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn. 

Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, người dân cũng cần tự trang bị kiến thức cơ bản, biết sàng lọc và nhận biết tin giả cũng như những hành vi vi phạm pháp luật khi hoạt động trên không gian mạng để có ứng xử phù hợp nhằm hạn chế sự phát tán và ảnh hưởng của tin giả.

Các đại biểu tại hội thảo

PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho rằng có 3 yếu tố gây rối loạn thông tin, gồm: thông tin sai lệch, thông tin xuyên tạc và thông tin nguy hại. Vai trò của cẩm nang là giúp người tiếp cận thông tin nhận diện được nguồn của tin giả, chủ thể tạo tin giả và chủ thể lan truyền, phát tán tin giả.

Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng được kỳ vọng sẽ cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật lan tràn trên không gian mạng hiện nay.

Hội thảo xây dựng cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng nằm trong Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam 2020-2024” do Bộ TT-TT (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) tổ chức.

Sau 2 năm triển khai, Dự án đã tổ chức thành công hơn 20 hoạt động bao gồm tổ chức các khóa tập huấn, các diễn đàn về công nghệ, báo chí, xuất bản, sách… tiếp cận được đến với gần 3.000 cán bộ quản lý truyền thông, phóng viên báo chí trên cả nước.


Tr.Đức