Ngày 10-10, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang phát động chương trình hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10-10. Dự lễ phát động có ông Trần Văn Huyến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đồng Văn Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh…

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh phát biểu tại buổi phát động

Chủ đề của tỉnh Hậu Giang trong tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022 là “Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đối số, phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Phát biểu tại chương trình hưởng ứng, ông Đồng Văn Thanh cho biết kết quả tích cực bước đầu của quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thể hiện ở 6 điểm nổi bật, gồm: Nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân đã chuyển biến tích cực.

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ cho chính quyền số cơ bản đáp ứng; bước đầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số phục vụ hiệu quả các hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân.

Kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành. Tỉnh đã từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn thương mại điện tử; trong tổ chức thực hiện chuyển đổi số, đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả, bước đầu đem lại kết quả tích cực. Trong đó, tỉnh đã thống nhất chọn 2 xã Thạnh Xuân với Gạch Gòi của huyện Châu Thành A tổ chức triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã.

Kết quả bước đầu trong chuyển đổi số đã góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế của tỉnh.

* Cùng ngày, tại UBND tỉnh Cà Mau diễn ra chương trình “Cà Mau hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia”. Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết với sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng cùng người dân thì công cuộc chuyển đổi số ở địa phương đã đạt được nhiều kết tích cực trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số…

Theo đó, Cà Mau tập trung các hoạt động nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng các kỹ năng số vào các hoạt động của đời sống hàng ngày như: Dịch vụ công trực tuyến; mua, bán trên các sàn thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; đặt lịch khám, chữa bệnh từ xa … Dịp này, Cà Mau cũng khai trương hệ thống thông tin quản lý đất đai – VNPT iLIS.

* Với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, tại buổi hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và triển khai Ngày Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã công bố quyết định của UBND tỉnh Sóc Trăng lấy ngày 10-10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng; công bố Zalo Official Account Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng; công bố App Công dân Sóc Trăng; báo cáo định hướng triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng và công bố tài liệu hướng dẫn Tổ Công nghệ số cộng đồng.

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

Phát biểu tại Chương trình hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và triển khai Ngày Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, mong muốn gửi thông điệp đến người dân trên địa bàn tỉnh nhằm tạo cái nhìn mới về chuyển đổi số, khả năng tiếp cận về chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, từ đó thúc đẩy quá trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh.

“Các cơ quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác chuyển đổi số, Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày Chuyển đổi số của tỉnh” – bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc yêu cầu.

* Trong chiều 10-10, tại hội nghị trực tuyến có sự tham dự của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Đồng Tháp đã Công bố Ngày Chuyển đổi số và công bố nền tảng chuyển đổi số ngành nông nghiệp của tỉnh.

Hiện nay, Đồng Tháp đang chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên tỉnh này ưu tiên hoàn thiện chuyển đổi số ở 3 lĩnh vực là y tế, giáo dục và nông nghiệp.

Nói về việc chọn 3 lĩnh vực này để ưu tiên chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng lĩnh vực nông nghiệp có vai trò trọng yếu đối với Đồng Tháp, do đó tỉnh đang hướng đến việc xây dựng nông thôn hiện đại, cũng như xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Còn giáo dục là lĩnh vực được Đồng Tháp chọn để phát triển bền vững. Đồng Tháp đang xây dựng để trở thành địa phương đáng sống nên lĩnh vực y tế phải được đầu tư tương xứng.

Chuyển đổi số tại Đồng Tháp trong những năm qua có nhiều bước phát triển thông qua nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp ngày càng tăng. 

“Hiện nay, tỉnh đã cung cấp được 1.131 dịch vụ công trực tuyến mức 4. Nếu như tỉ lệ hồ sơ trực tuyến năm 2021 chỉ đạt 6,12% thì trong 9 tháng năm 2022 đã tăng lên đến 93,6%. Môi trường mạng trở thành một kênh thông tin giao tiếp rất quan trọng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Điều này thể hiện rõ qua lượt tiếp nhận và trả lời 2.400 ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân về thủ tục hành chính, an toàn giao thông, trật tự đô thị… của các cơ quan nhà nước thông qua tổng đài 1022 trong 9 tháng đầu năm nay” – ông Đoàn Thanh Bình, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp, cho biết.

Tầm nhìn đến năm 2030, Đồng Tháp sẽ nằm trong tốp 20 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất của cả nước và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực ĐBSCL

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho rằng chuyển đổi số là nền tảng quan trọng để ngành nông ngiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Trước khi xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã và đang áp dụng một số hệ thống số hóa, chuyển đổi số theo cấp quản lý ngành để làm cơ sở từng bước tích hợp vào nền tảng dữ liệu số lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, gồm: Trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi; thủy lợi; lâm nghiệp; kinh tế hợp tác và chương trình OCOP.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại hội nghị

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khẳng định đối với một địa phương “khuất nẻo” như Đồng Tháp thì chuyển đổi số đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là chìa khoá để giải quyết những điểm nghẽn về vị trí địa lý, về hạ tầng giao thông; tạo ra thế giới phẳng giúp mọi người bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ, đào tạo, tri thức; được chính quyền thấu hiểu và phục vụ tốt hơn nhờ vào dữ liệu và công nghệ số; giúp doanh nghiệp đổi mới tư duy, phương thức, giảm chi phí sản xuất, mở ra những mô hình sản xuất kinh doanh mới, những sản phẩm mới, thị trường mới.

“Chuyển đổi số còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng năng suất lao động và giải quyết các vấn đề xã hội, là con đường ngắn nhất để đưa Đồng Tháp phát triển hiện đại và thịnh vượng” – ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.


QUANG TRƯỜNG – VĨNH KỲ- VÂN DU – CÔNG TUẤN